Giới thiệu khái quát về các mô hình mẫu đồ thị
Có hàng trăm nghìn người tham gia thị trường mua và bán các công cụ tài chính vì nhiều lý do khác nhau như kỳ vọng sự tăng giá, sợ bị thua lỗ, tất toán trạng thái bán khống, bảo toàn vốn, dừng lỗ, các yếu tố phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, những lời đề nghị của nhà môi giới nhà tư vấn và nhiều lý do khác.
Việc xác định tại sao người tham gia thị trường mua và bán có thể là quá trình đầy kỳ công và nỗ lực. Các mô hình đồ thị đưa tất cả các hoạt động mua bán của nhà đầu tư vào một bức tranh hội tụ tất cả các động lực cung cầu. Các mô hình đồ thị tạo ra khung sườn để phân tích cuộc chiến giữa nhà đầu cơ giá lên và nhà đầu cơ giá xuống. Quan trọng hơn là các mô hình đồ thị có thể giúp nhà đầu tư quyết định ai là người chiến thắng cuộc chiến đó, cho phép nhà đầu tư xác định được trạng thái giao dịch của mình.
Các mô hình đồ thị đơn giản là những phiên bản phức hợp các đường xu hướng. Vấn đề là cần đọc được và hiểu được ý nghĩa các vùng hỗ trợ, vùng kháng cự cũng như các đường xu hướng trước khi nghiên cứu chi tiết.
Mức hỗ trợ (Support level) là mức giá tại đó có đủ một khối lượng cầu mua công cụ tài chính để ngăn chặn xu hướng giảm giá, hoặc có thể tăng giá. Mức kháng cự (Resistance level) là mức giá tại đó có đủ công cụ tài chính cung ra để ngăn chặn xu hướng tăng giá. Vậy vùng hỗ trợ thể hiện sự tập trung của cầu và vùng kháng cự thể hiện sự tập trung của cung.
Thứ cần phải xem xét đầu tiên trong khi nhìn vào bất cứ thị trường nào là hướng của xu thế dài hạn (long term trend). Giá chỉ có thể đi theo 3 xu hướng: xu hướng lên (uptrend), xu hướng xuống (downtrend) và xu hướng dạt ngang hoặc không rõ xu hướng (sideways/ nontrend). Một đường nối dài những khu vực giá cả đưa ra cho bạn một kiểu thị trường. Nhìn chung sẽ có rất nhiều chỗ lõm xuống (dips) và những chỗ trồi lên (bumps) dọc đường đó nhưng cần nhận thức một hướng chung lên, xuống hoặc dạt ngang 2 bên. Chúng ta có thể nhận ra xu hướng bằng cách vẽ các đường xu hướng (trendline).
Trong một xu hướng tăng giá, đường xu hướng tăng (upward trendline) được vẽ bằng cách nối những đáy thấp nhất liên tiếp nhau và thường 3 điểm ta vẽ được đường xu hướng, vẽ qua càng nhiều điểm thì đường xu hướng càng chính xác. Đường xu hướng tăng cho biết thị trường sẽ tiếp tục với xu hướng đó cho đến khi xu hướng đó bị gãy (breakout). Trong xu hướng tăng giá, các cơ hội mua xảy ra khi đường giá nằm trên đường xu hướng này. Đường xu hướng tăng giá nhằm giúp đỡ nhà đầu tư kiểm tra lại tín hiệu mua của thị trường bằng dấu hiệu: đường giá di chuyển gần sát hay phía dưới đường xu hướng tăng và sau đó hồi phục và chuyển động theo hướng lên trên đường xu hướng tăng. Ngược lại nếu đường xu hướng tăng bị gãy thì nó sẽ cho tín hiệu bán khi đường giá cắt qua đường xu hướng hướng tăng và có hướng đi xuống.
Trong một xu hướng giảm giá, đường xu hướng giảm (downward trendline) được vẽ dọc các đỉnh của 2 khu vực kháng cự dễ nhận ra, nối càng nhiều điểm thì đường xu hướng này càng chính xác. Đường xu hướng giảm cho biết thị trường tiếp tục xu hướng đó cho đến khi xu hướng đó bị gãy, khi giá nằm phía dưới đường xu hướng và chuyển động vượt qua đường xu hướng,.
Phân tích các mô hình đồ thị có thể được sử dụng để dự báo xu hướng ngắn hạn và dài hạn. Dữ liệu giá có thể là trong ngày (đồ thị 8 giờ, 4 giờ, 2 giờ, 1 giờ, 30 phút …), theo ngày (đồ thị ngày), theo tuần (đồ thị tuần) hoặc theo tháng (đồ thị tháng) và các mô hình đồ thị có thể kéo dài trong một ngày hoặc thậm chí nhiều năm.
Hai yếu tố cơ bản của phân tích kỹ thuật là xu hướng giá vàng lịch sử tự nó lặp lại. Một xu hướng tăng giá (uptrend) cho biết sức cầu (nhà đầu cơ giá lên) đang giành sự kiểm soát và một xu hướng giảm giá (downtrend) cho biết sức cung (nhà đầu cơ giá xuống) đang giành sự kiểm soát. Tuy nhiên giá không theo một xu hướng mãi mãi và cán cân sức mạnh sẽ thay đổi, và từ đó một mô hình đồ thị sẽ xuất hiện. Một số mô hình đồ thị như kênh giá song song (Parallel channel), thể hiện một xu hướng mạnh. Tuy nhiên phần lớn các mô hình đồ thị phân thành 2 nhóm: nhóm đảo chiều (reversal) và nhóm tiếp tục xu hướng (continuation). Các mô hình đồ thị đảo chiều cho biết sự thay đổi xu hướng theo chiều ngược lại. Các mô hình đồ thị tiếp tục xu hướng cho biết sự tạm dừng xu hướng và báo hiệu xu hướng trước sẽ tiếp tục sau một khoảng thời gian.
Vì một mô hình đồ thị hình thành sau một đợt tăng giá hoặc giảm giá đáng kể nên không có nghĩa nó là mô hình đảo chiều. Nhiều mô hình như mô hình đồ thị hình chữ nhật (Rectangle) chẳng hạn, có thể được phân loại là mô hình đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng. Nhiều mô hình phụ thuộc vào dao động giá trước đó, khối lượng giao dịch (volume) và các chỉ báo khác khi mô hình phát triển. Đây chính là nơi khoa học phân tích kỹ thuật trở thành nghệ thuật phân tích kỹ thuật.